Đây là đánh giá của ông Phan Minh Đạt - đại diện DTS Group, Phó chủ tịch CLB phát triển Blockchain bền vững (VINASA) đưa ra tại Triển lãm Quốc tế Vải cao cấp - Texfuture Việt Nam 2023, cuối tháng 3 tại TP HCM. Ông Đạt cho rằng sự kết hợp giữa công nghệ blockchain và ngành sản xuất vải mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội. Những công nghệ này giúp cho việc theo dõi nguồn gốc, tính xác thực và quản lý các sản phẩm vải trở nên dễ dàng hơn.
Với NFT - công nghệ tiêu biểu của blockchain, khi được gán vào các sản phẩm có thể giúp nhà sản xuất theo dõi nghiêm ngặt quy trình đầu cuối. Công nghệ đảm bảo tính xác thực và chất lượng hàng hóa. theo dõi các quy trình sản xuất, quản lý khối lượng vật liệu và phân phối sản phẩm.
Ông Phan Minh Đạt – Đại diện DTS Group, Phó chủ tịch CLB phát triển Blockchain bền vững (VINASA). Ảnh: DTS
Ông Đạt nhận định ứng dụng blockchain đưa ngành công nghiệp thời trang vào một giai đoạn mới. Vì tính xác thực và độc nhất, NFT có thể giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của những nhà thiết kế, giúp tăng giá trị, theo dõi việc sử dụng cho các sản phẩm thời trang. "Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành phát triển và tăng cường quy trình sản xuất, quản lý và tiếp thị sản phẩm. Nó cũng đại diện cho quyền sở hữu và quyền tùy chỉnh sản phẩm vải", ông Đạt chia sẻ.
Ngoài ra, NFT còn giúp xác thực tính độc quyền của các sản phẩm giới hạn, bảo vệ thương hiệu khỏi hàng giả và sao chép trái phép. Mỗi sản phẩm có thể được gán một NFT duy nhất, điều này sẽ làm cho việc sản xuất hàng giả trở nên khó khăn hơn. "Bằng cách sử dụng định danh, khách hàng có thể xác minh tính chính hãng của sản phẩm và ngăn chặn việc mua hàng giả. Đồng thời, hình thức này cũng cho phép các thương hiệu đối phó với việc sao chép và phân phối sản phẩm của họ bởi các bên không được ủy quyền", chuyên gia đánh giá.
Đại diện các đơn vị tham gia triển lãm. Ảnh: DTS
Theo ông Đạt, khó khăn là việc công nghệ này mới mẻ, là thách thức cho các doanh nghiệp truyền thống trong việc tiếp cận công nghệ. Dù vậy, đã có vài đơn vị tiên phong phát triển hệ thống vải thông minh sử dụng công nghệ blockchain, cho phép theo dõi tính xác thực và lịch sử của sản phẩm. Mỗi mảnh vải được trang bị một định danh, và được lưu trữ bằng NFT. "Khách hàng là người hưởng lợi khi có thể tin tưởng vào chất lượng sản phẩm và nguồn gốc. Nhà sản xuất có thể tăng cường giá trị thương hiệu và phát triển thị trường khu ứng dụng NFT", đại diện DTS Group chia sẻ.
Texfuture Việt Nam 2023, thu hút hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm với hơn 1.500 mẫu vải được trưng bày. Các doanh nghiệp tham gia chủ yếu đến 7 nhóm lĩnh vực chính bao gồm: vải thời trang bền vững, vải thời trang các loại, vải chức năng, khu công nghiệp và kinh tế tuần hoàn, kỹ thuật – thông tin và giải pháp dệt may, nguyên liệu bông xơ, hàng gia dụng – phụ kiện và phụ liệu